Quan hôn tang tế: Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc

Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc bao gồm? Bạn đã bao giờ nghe nói đến Quan hôn tang tế (관혼상제), 4 lễ nghi quan trọng không thể bỏ qua trong vòng đời con người ở xã hội Hàn Quốc xưa chưa? Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc được gọi là 관혼상제: Quan (Lễ trưởng thành) – Hôn (Lễ kết hôn) – Tang (Đám tang) – Tế (Đám giỗ). Nghi lễ vòng đời là những nghi lễ được tiến hành trong cuộc đời của con người, từ khi sinh ra đến khi qua đời. Hãy cùng VJ Việt Nam khám phá Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc nhé!

Quan hôn tang tế: Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc

Quan hôn tang tế: Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc

Định nghĩa và lịch sử của Quan hôn tang tế – Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc

Định nghĩa của Quan hôn tang tế 

Quan hôn tang tế (관혼상제) chỉ 4 nghi lễ quan trọng nhất trong vòng đời của một người theo quan niệm của người Hàn xưa đó là lễ trưởng thành (quan/관), lễ kết hôn (hôn/혼), tang lễ (tang/상) và đám giỗ (tế/제).

Đây là nghi lễ mà mỗi người từ khi sinh ra đến khi từ trần đều phải trải qua và nó còn được gọi là nghi lễ gia đình (가정의례) vì thường được thực hiện ở nhà trước sự chứng kiến của gia đình.

Lịch sử của Quan hôn tang tế 

Theo ghi chép từ thời Tam Quốc (삼국시대), do sự ảnh hưởng của Trung Quốc mà những lễ nghi như Hôn lễ và Đám tang đã dần hình thành một cách cơ bản.

Nhưng chỉ đến triều đại Joseon, khi Nho giáo xâm nhập và chiếm vị thế gần như độc tôn trong xã hội thì khái niệm Quan hôn tang tế mới rõ ràng. Lúc này, các nghi lễ Quan hôn tang tế được nhà nước tuyên truyền rộng rãi khắp cả nước. 

Tuy nhiên, vào cuối triều đại Joseon và thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản, việc thực hành nghi lễ trên đã bị đàn áp mạnh mẽ. Trong thời đại này, các phong tục tập quán gần như biến mất. Và quan niệm về lễ trưởng thành có thể được xem là nét văn hóa chịu ảnh hưởng từ phương Tây. 

Thời gian trôi đi đến sau những năm 1960, khi quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ngày càng phát triển, các nghi lễ gia đình đã dần không thực hiện trong phạm vi gia đình nữa.

Sinh con

Do chịu sự ảnh hưởng của Nho Giáo nên từ xưa, người Hàn đã có tư tưởng “Trọng nam, khinh nữ”. Họ luôn muốn sinh được con trai để nối dõi huyết thống gia đình. Họ thường đến các đền chùa cầu nguyện và dâng cúng với hy vọng sinh được con trai. Thần Samshin Halmoni (삼신 할머니) là vị thần liên quan đến việc sinh con trong văn hóa đa thần của Hàn Quốc.

Sau khi sinh con, người Hàn sẽ treo một sợi dây được kết bằng rơm buộc đầy ớt – Kumjul (금줄) ngang cổng hay cửa nhà trong suốt 3 tuần liền. Mục đích để xua đuổi ma quỷ, dâng cúng cơm, canh rong biển cho thần 삼신 할머니 mỗi ngày. Đặc biệt phải kiêng kỵ không thổ lộ niềm vui về đứa bé để tránh bị thần linh quở,…

Sinh con - Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc

Sinh con – Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc

백일 (Baekil) – Lễ 100 ngày

Cuộc sống ngày xưa của người Hàn Quốc rất nghèo khổ. Chính vì vậy, việc em bé sinh ra  tròn 100 ngày là một sự kiện đáng mừng. Và cũng đáng tạ ơn vì đánh dấu sự sống sót của em bé qua giai đoạn gây cấn nhất của tuổi thơ. Đồng thời cũng đánh dấu người mẹ đã hồi phục sức khỏe. Gia đình sẽ dâng cúng thức ăn cho thần 삼신 할머니 vì đã phù hộ, chăm sóc cho đứa trẻ và người mẹ qua giai đoạn khó khăn.

Người Hàn Quốc cầu nguyện sự giàu có, tuổi thọ và may mắn cho đứa trẻ. Họ thường chia bánh Ttok (떡) cho hàng xóm láng giềng. Những gia đình nhận bánh Ttok đặt vào bát cuộn chỉ, gạo hoặc tiền. Cuộn chỉ mang ý nghĩa chúc bé khoẻ mạnh và sống lâu. Gạo và tiền chứa đựng mong ước trở nên giàu có. Vào lễ 100 ngày, gia đình sẽ cùng nhau ăn uống và tặng quà cho em bé.

돌찬지 (Dolchanjil) – Tiệc thôi nôi

돌찬지 (Dolchanjil) – Tiệc thôi nôi

돌찬지 (Dolchanjil) – Tiệc thôi nôi

Đây là ngày kỉ niệm sinh nhật đầu tiên của đứa bé kể từ khi sinh ra. Vào ngày này, em bé sẽ được mặc trang phục truyền thống 돌복 (Dolbok) kèm túi may mắn 복주머니 (Bokjumoni). Đây cũng là ngày để dọn bàn dâng cơm cúng cho thần linh. Người Hàn Quốc kiêng kỵ không đi chia bánh gạo cho hàng xóm vào ngày này vì không may mắn cho đứa trẻ.

Phần chính của buổi lễ là 돌잡이 (Doljabi). Người Hàn chuẩn bị một bàn lớn với hơn chục loại bánh gạo khác nhau, trái cây, canh rong biển,… Không chỉ thức ăn, họ còn đặt thêm những vật như cung tên, ống nghe, kim chỉ, táo tàu, sách, bút chì, bánh gạo,… để em bé chọn và thông qua đó dự đoán tương lai của đứa trẻ.

Phần này thì rất giống với cách tổ chức tiệc thôi nôi trong văn hóa của người Việt Nam. Ngày nay, các món vật được đặt vào bàn lễ cũng trở nên đa dạng và phong phú hơn rất nhiều.

 

Lễ trưởng thành – Quan trong Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc

Lễ trưởng thành ở Hàn Quốc được tổ chức vào ngày thứ hai của tuần thứ ba trong tháng 5. Ngày lễ này đánh dấu cột mốc những thanh niên 20 tuổi chính thức được xem là người trưởng thành. Họ có thể tự chịu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Dù giàu hay nghèo thì nghi lễ vẫn được chuẩn bị đầy đủ và tổ chức trang trọng.

Lễ trưởng thành bao gồm: 관례 (kwallye) cho nam và 계례 (kyerye) cho nữ. Vào ngày này, những nam nữ thanh niên mặc trang phục truyền thống – Hanbok. Nam thì đội nón 갓 (gat) và nữ thì cài trâm 비녀 (binyo).

Nam thì đội nón 갓 (gat) và nữ thì cài trâm 비녀 (binyo)

Nam thì đội nón 갓 (gat) và nữ thì cài trâm 비녀 (binyo)

Các nam thanh nữ tú đọc lời thề, sau đó cúi lạy các vị khách, uống ly rượu đầu tiên và chính thức trở thành người lớn. Vào buổi lễ, họ cũng đến thăm các đền thờ để báo với trời đất về việc trở thành một thanh niên có trách nhiệm trong xã hội.

Quan trong Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc

Quan trong Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc

Lễ kết hôn – Hôn trong Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc

Hôn lễ truyền thống của người Hàn Quốc

Trình tự đám cưới truyền thống của Hàn Quốc cũng khá giống Việt Nam, nhà trai sẽ sắm sửa lễ vật để mang đến nhà gái hỏi cưới sau đó sẽ chọn ngày lành tháng tốt để cử hành hôn lễ đến cô dâu về. Đám cưới Hàn Quốc truyền thống thường được tổ chức tại nhà gái, ở trong sân hoặc bên ngoài. 

Ngày xưa đám cưới truyền thống Hàn Quốc sẽ không có chủ hôn, chỉ có chú rể và cô dâu sau khi cúi chào nhau, làm lễ giao bôi và đồng ý nguyện sống chung với nhau. 

Sau lễ cưới, trong lúc chú rể đi chào họ hàng của cô dâu thì họ sẽ đánh vào lòng bàn chân của chú rể với ngụ ý để chú rể sẽ không bỏ rơi cô dâu. 

Kết thúc hôn lễ, cô dâu sẽ thực hiện nghi lễ vấn an (폐백) bố mẹ chồng. Cô dâu sẽ lạy 4 lạy để tỏ lòng kính trọng với bố mẹ chồng. Thông thường cô dâu có thể sẽ tặng cho bố mẹ chồng thức ăn hoặc món quà nhỏ. Sau đó mẹ chồng sẽ cầm quả táo tàu và hạt dẻ ném lên dải ruy băng với ý nghĩa là con đàn cháu đống. Tuy nhiên vẫn còn cách hiểu khác là táo tàu trong tiếng hàn là “Sớm”, hạt dẻ có nghĩa là “Đêm”, việc ném táo của mẹ chồng cũng có ngụ ý rằng cô dâu phải thức khuya dậy sớm để làm làm việc nhà. Đến ngày này cái ý nghĩa đó đã dần biến mất, cô dâu cũng đã được san sẻ công việc nhà.

Hôn lễ truyền thống của người Hàn Quốc

Hôn lễ truyền thống của người Hàn Quốc

Hôn lễ hiện đại của người Hàn Quốc

Ngày nay, các nghi lễ trong đám cưới hiện đại của Hàn Quốc được giảm bớt. Thay vào đó là nghi thức đơn giản theo kiểu phương Tây. Trang phục cưới mang hơi hướng hiện đại. Lễ đường, tiệc cưới cũng tổ chức công phu hơn.

Hôn lễ hiện đại của người Hàn Quốc

Hôn lễ hiện đại của người Hàn Quốc

Mừng thọ (회갑)

Khi đến năm 60 tuổi, người Hàn được con cháu trong nhà tổ chức một buổi tiệc lớn mừng thọ. Nghi lễ này thể hiện lòng biết ơn của con cái với tình yêu và công lao của cha mẹ. Và cầu mong cha mẹ luôn khỏe mạnh, sống thọ. Khách mời đến buổi tiệc thường là con cháu, dòng họ thân thiết trong gia đình.

Trong ngày này, chủ nhân bữa tiệc cùng với bạn đời ngồi trước bàn tiệc lớn. Theo quan niệm, bàn tiệc được chuẩn bị càng cao thì càng thể hiện lòng hiếu thảo của con cái. Trong bữa tiệc, con cái sẽ lần lượt lạy bố mẹ, rót rượu và dâng lên. Họ hàng trẻ hơn hoặc người có vai vế nhỏ hơn cũng sẽ lạy và dâng rượu. Họ hàng rót rượu cho nhau uống và trò chuyện vui vẻ.

Ngày nay, chất lượng đời sống được nâng cao, tuổi thọ trung bình được kéo dài. Do đó cũng có nhiều trường hợp tổ chức tiệc mừng thọ 70 tuổi.

Đám tang (장례) – Tang trong Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc

Tang lễ là nghi lễ cuối cùng tiễn biệt một người trên đoạn đường sang thế giới bên kia nên nó được coi là quan trọng nhất trong 4 nghi lễ Quan hôn tang tế.

Từ thời Shilla đến thời Goryeo, các nghi thức trong tang lễ có sự pha trộn giữa Phật giáo và Nho giáo. Nhưng từ thời Joseon, khi Nho giáo chiếm ưu thế, nghi thức tang lễ theo Phật giáo đã không còn. 

Đám tang truyền thống gồm các nghi lễ như Kobok (고복) – gọi hồn người chết, khâm liệm (습.염), chịu tang (성복), đưa tang (발인), hạ nguyệt (하관) vào đúng giờ lành ở nơi được chỉ dẫn theo lời thầy địa lý. Nghi lễ uje (우제) đề phòng linh hồn lạc khỏi thể xác đã được chôn cất. Sau cùng gia đình sẽ viết thư cảm ơn những người khách đã đến để chia buồn.

Và đến thời nay, các nghi thức trong tang lễ đã được đơn giản hóa đi rất nhiều và người mất thường sẽ được mang đi hỏa táng rồi thả tro trôi sông hoặc chôn dưới gốc cây, hoặc đưa về nơi bảo quản tro hài riêng để tưởng nhớ. Ngày xưa, khi có người thân mất thì mọi người trong gia đình sẽ mặc đồ trắng thì ngày nay mọi người chủ yếu mặc đồ đen.

Đám tang (장례) - Tang trong Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc

Đám tang (장례) – Tang trong Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc

Đám giỗ (제사) – Tế trong Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc

Đây là nghi lễ thể hiện sự tưởng nhớ, tôn kính đối với tổ tiên của người Hàn Quốc. Nghi lễ Đám giỗ là nghi lễ dâng đồ cúng (gồm đồ ăn, rượu và hương nhang) để tưởng nhớ tổ tiên, những người đã khuất. 

Cũng như Việt Nam, đồ cúng thường phải chuyển bị rất nhiều thứ. Nhưng ở Hàn có vẻ phức tạp hơn, loại thức ăn, hoa quả dâng cúng, vị trí xếp sắp đồ cúng cũng được quy định rõ ràng.

Đám giỗ (제사) - Tế trong Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc

Đám giỗ (제사) – Tế trong Nghi lễ vòng đời của người Hàn Quốc

Thời xưa, đám giỗ thường được tổ chức vào 12 giờ đêm, vì người Hàn nghĩ đây là giờ linh thiêng của cõi âm. Ngoài ra, họ cũng đến thăm mộ, tảo mộ ông bà tổ tiên vào ngày tết Nguyên đán (설날) và tết Trung thu (추석).

Gợi ý cho bạn 

 

CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN DU HỌC VÀ THƯƠNG MẠI VJ 

  • Địa chỉ: T4-BT1-L4 Khu đô thị Intracom1, P. Trung Văn, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội
  • Trung tâm đào tạo: T19-BT1-L4 Khu đô thị Intracom1, P. Trung Văn, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội
  • Chi nhánh HCM: Số 43 đường Tiền Lân 14, Bà Điểm, Hooc Môn, TP HCM
  • Phone: 092.405.2222
  • Mail: mkt.vjvietnam@gmail.com
  • Website: https://vjvietnam.com.vn/
Facebook Comments Box
5/5 - (1130 bình chọn)

© Copyright © 2019-2020 VJVIETNAM JSC. All rights reserved

zalo
zalo